Suy dinh dưỡng trẻ em và cách phòng chống
Những năm qua, mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở tỉnh ta vẫn còn ở mức cao. Trong năm 2015, suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ dưới 5 tuổi là 18,5%, suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi là 32,2%. Tuy nhiên hiện nay không chỉ những trẻ thiếu cân mới suy dinh dưỡng, mà ngay cả những trẻ trông bụ bẫm cũng có thể bị thiếu dinh dưỡng, do trẻ thừa năng lượng nhưng lại thiếu các vi chất như: Canxi, vitamin, sắt… tình trạng này đang gia tăng một cách nhanh chóng đã và đang gây nhức nhối trong cộng đồng.
Những nguyên nhân thường gặp gây suy dinh dưỡng ở trẻ:

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới suy dinh dưỡng ở trẻ, các nguyên nhân thường gặp là:
Cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con: trẻ không được bú sữa mẹ, cho ăn dặm không đúng cách, không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ, cho trẻ ăn quá ít lần trong ngày, kiêng khem quá mức khi trẻ bệnh. Đôi khi trẻ bị biếng ăn do các nguyên nhân: thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng như: Sởi, Ho gà, Viêm phổi… Chế biến thức ăn không hợp khẩu vị và lứa tuổi của trẻ.
Ở các vùng nông thôn nguyên nhân phổ biến dẫn tới suy dinh dưỡng ở trẻ thường là từ việc nuôi dưỡng kém hoặc mẹ thiếu sữa, phải nuôi sữa ngoài nhưng không đủ điều kiện kinh tế để cung cấp đầy đủ chất cho con…
Suy dinh dưỡng cũng thường gặp ở trẻ bị nhiễm ký sinh trùng như giun, sán,...
Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn: trẻ hoạt động quá nhiều, hoặc sống trong môi trường quá nóng, quá lạnh, làm tiêu hao năng lượng nhiều; Hoặc trẻ bị bệnh nặng có nhu cầu các dưỡng chất cao mà không được cung cấp tăng cường.
Trong trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng thể thừa cân béo phì phần lớn là do ăn nhiều chất đạm, chất béo, ăn nhiều chất bột đường nhưng có sự mất cân bằng giữa các nhóm chất như: ăn quá nhiều cơm, bánh mỳ, hoặc ăn quá nhiều bánh kẹo, uống nhiều nước ngọt… Chế độ này có thể nhiều năng lượng nhưng năng lượng lại chủ yếu nằm ở chất béo, chất bột đường.
Bên cạnh các nguyên nhân trên thì biến đổi khí hậu cũng là yếu tố làm gia tăng bệnh tật và suy dinh dưỡng ở nước ta, bởi những địa phương chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu thì khả năng tiếp cận với thực phẩm thiết yếu sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Cách nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng:

Triệu chứng dễ nhận biết là trẻ có biểu hiện: biếng ăn, ăn ít, chậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân. Ngoài ra trẻ còn dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa... nếu trẻ bị suy dinh dưỡng thường da xanh, tóc thưa rụng dễ gãy, đổi màu, trẻ hay buồn bực, quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt, teo mỡ ở cánh tay, thịt nhão, mất hết lớp mỡ dưới da bụng. Đặc biệt, trẻ suy dinh dưỡng thường chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi, đứng...

Cần làm gì để phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại mỗi gia đình?

Muốn phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, cần có sự hiểu biết, chủ động và thay đổi thực hành ăn uống của mỗi gia đình. Do đó, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng lấy gia đình là đối tượng thực hiện công tác chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em. Mọi gia đình đều hưởng ứng và thực hiện 8 nội dung cụ thể dưới đây:

1. Chăm sóc ăn uống của phụ nữ có thai để đạt mức tăng cân 10-12kg trong thời gian có thai. Khám thai ít nhất 03 lần, tiêm đủ 2 mũi phòng Uốn ván.
2. Cho trẻ bú sớm trong nửa giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 06 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 18-24 tháng.
3. Cho trẻ ăn bổ sung (ăn dặm) từ tháng thứ 6. Tô màu đĩa bột (thêm rau xanh…), tăng thêm chất béo (dầu, mỡ, lạc, vừng). Ăn nhiều bữa.
4. Thực hiện phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng: phụ nữ có thai uống viên sắt/ acid folic hàng ngày. Trẻ em 6-36 tháng uống vitamin A liều cao 2 lần mỗi năm. Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp). Thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Chăm sóc và nuôi dưỡng hợp lý trẻ bị bệnh.
5. Phát triển ô dinh dưỡng trong hệ sinh thái VAC (vườn, ao, chuồng) để có thêm thực phẩm cải thiện bữa ăn gia đình bằng cách cung cấp các loại rau, hoa quả có giá trị dinh dưỡng cao (rau dền, rau đậu, cà rốt, chuối, đu đủ, trái cây có múi...), trứng, cá, thịt. Ngoài ra sự phát triển của hệ thống VAC còn góp phần hạn chế ô nhiễm và cải thiện môi trường, sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên đất, nước và năng lượng mặt trời, giúp cho chất lượng môi trường nước, đất và không khí được cải thiện theo thời gian khi hệ thống VAC phát triển rộng rãi.
6. Thực hiện “đa dạng hóa bữa ăn” là phối hợp các thực phẩm, thường xuyên thay đổi món ăn, vừa cung cấp được nhiều chất dinh dưỡng, vừa bảo toàn được các chất dinh dưỡng trong thực phẩm ngoài ra tăng cảm giác ngon miệng, sự hấp dẫn người ăn. Hằng ngày, có thể sử dụng từ 15 loại thực phẩm trở lên thuộc 4 nhóm thức ăn trong chế biến bữa ăn, bao gồm:
- Nhóm lương thực: gạo ngô, khoai, sắn (cung cấp năng lượng chủ yếu trong bữa ăn).
- Nhóm giàu chất đạm: thức ăn nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng sữa) và nguồn gốc thực vật (các loại đậu, đỗ).
- Nhóm giàu chất béo (mỡ, bơ, dầu ăn và các hạt có dầu như vừng lạc).
- Nhóm rau quả: cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ.
7. Thực hiện vệ sinh môi trường, dùng nguồn nước sạch, tẩy giun theo định kỳ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiểu tiện. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm để thức ăn không trở thành nguồn gây bệnh.
8. Thực hiện gia đình hạnh phúc, có nếp sống văn hóa, năng động, lành mạnh. Có biểu đồ tăng trưởng để theo dõi sức khỏe của trẻ.
Ngày nay nước ta đã có nhiều tiến bộ về mọi mặt như kinh tế, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục … nhưng bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn đang còn là vấn đề nhức nhối của cả gia đình và xã hội. Do đó nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo cho thế hệ tương lai phát triển toàn diện cả về thể lực và trí lực cần sự chung tay của người dân và các cấp chính quyền, các bộ, ngành. Suy dinh dưỡng là bệnh có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm, xử trí kịp thời và có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cần quan tâm và có sự hiểu biết về cách nuôi dưỡng trẻ một cách khoa học để tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em không còn là mối quan tâm đặc biệt của cả cộng đồng như hiện nay.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập