Bệnh còi xương ở trẻ em
Còi xương là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D, hoặc do rối loạn chuyển hoá vitamin D trong cơ thể. Bệnh hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, trẻ đẻ non, thiếu cân hoặc bị các bệnh nhiễm khuẩn cấp (đặc biệt là Tiêu chảy). Đây là bệnh toàn thân, ảnh hưởng không những đến hệ xương mà còn đến cả hệ thần kinh, cơ, máu…của trẻ.
Nguyên nhân:

Còi xương là bệnh do rối loạn chuyển hoá Vitamin D hoặc thiếu Vitamin D. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị còi xương như:
- Thiếu ánh nắng mặt trời: đây là nguyên nhân hay gặp nhất do thói quen kiêng cữ, sợ trẻ tiếp xúc với nắng. Hoặc do nhà ở chật chội, thiếu ánh sáng, trẻ sinh vào mùa đông mặc quá nhiều quần áo, không được đưa ra ngoài trời tắm nắng hoặc ở vùng cao có nhiều mây mù… là những nguyên nhân khiến cho trẻ không có đủ Vitamin D để kích thích sự hấp thu Canxi của cơ thể và quá trình khoáng hóa hình thành xương.
- Chế độ ăn uống không hợp lý:
+ Không được bú sữa mẹ thường xuyên
+ Cho ăn bột sớm, ăn bột nhiều (gây ức chế hấp thu Canxi).
+ Chế độ ăn thiếu Canxi, Phốt pho, Vitamin và một số chất khoáng khác.
- Trẻ đẻ non, đẻ sinh đôi, trẻ không bú mẹ, trẻ quá bụ bẫm
- Trẻ bị Tiêu chảy hoặc mắc một số bệnh đường tiêu hoá làm giảm hấp thu Vitamin D.
- Một số ít trẻ bị bệnh vì di truyền do trong quá trình mang thai người mẹ gặp một số vấn đề về sức khỏe.
- Màu da: Trẻ da màu hay bị còi xương hơn vì có sự cản trở quá trình tổng hợp Vitamin D tại da.

Những biểu hiện khi trẻ bị còi xương:

- Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình.
- Ra mồ hôi trộm cả khi trời lạnh.
- Xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn.

Mềm xương là những dấu hiệu sớm:
- Xương sọ: mềm, ấn vào có thể gây lõm như ấn vào quả bóng nhựa; thóp rộng, bờ thóp mềm, chậm liền thóp.
- Răng: thường mọc chậm và mọc lộn xộn.

Tăng sinh và biến dạng xương:
- Xương sọ: Bướu trán, bướu đỉnh tạo cho đầu có hình “lâp phương”.
- Xương hàm: Xương hàm dưới thường chậm phát triển, hàm trên chìa ra.
- Xương lổng ngực: khớp sụn sườn ở phía trước ngực tăng sinh phì đại tạo nên “chuỗi hạt sườn”. Lổng ngực có thể bị biến dạng dô lên ở phía trước như “ngực gà” hoặc bị lõm vào ở vùng ngang vú tạo nên ngực “hình chuông”.
- Xương tay: Đầu dưới xương trụ, xương quay tăng sinh phì đại tạo nên “vòng cổ tay” .
- Xương chân: Đầu dưới xương chày tăng sinh phì đại tạo thành “vòng cổ chân”.
- Do xương loãng, mềm và lại phải tải gần như toàn bộ trọng lượng cơ thể cho nên hai chân của trẻ còi xương sẽ bị cong như hình chữ “O”; cơ yếu nên khi đứng chân thường dựa đầu gối vào nhau tạo nên hình chữ “X”.
- Xương sống: Cong, gù vẹo.
Tăng sinh và biến dạng xương là hậu quả của sự mềm xương và là những biểu hiện muộn của bệnh còi xương. Những biến dạng trên thường để lại những di chứng vĩnh viễn, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mà đối với trẻ gái còn gây nên những khó khăn trong sinh đẻ sau này do sự biến dạng của khung chậu.
- Hệ cơ: Trương lực cơ giảm, gây nên hiện tượng bụng ỏng, trẻ chậm biết ngổi, đứng, đi. Do vậy dễ bị gù vẹo cột sống, chân hình chữ ‘X’.
- Hệ tạo máu: Trẻ còi xương thường có thiếu máu, da xanh, niêm mạc nhợt, gan lách thường to.

Phòng ngừa bệnh còi xương:
- Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: Để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 15-30 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ). Lưu ý phải tắm nắng trực tiếp vì nếu không sẽ không còn tác dụng. Trong những tháng mùa đông phải uống thêm vitamin D vì mùa đông thường có nhiều sương mù và nắng yếu.
- Khi trẻ ăn dặm: cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều Canxi (Sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh…) và bổ sung dầu mỡ đầy đủ trong bữa ăn hàng ngày của trẻ vì vitamin D là loại tan trong dầu. Nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì dù có được uống vitamin D trẻ cũng không hấp thu được nên vẫn bị còi xương.
- Ở những nơi thiếu ánh nắng mặt trời, cung cấp vitamin D phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn. Tất cả các đối tượng trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ, thiếu niên đều phải được cung cấp tối thiểu 400 UI vitamin D mỗi ngày. Để đạt được nhu cầu trên, viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa kỳ khuyến cáo:
+ Bổ sung vitamin D từ sau sinh cho trẻ bú mẹ hoàn toàn và bú mẹ một phần với liều 400 UI/ngày cho đến khi trẻ bú được khoảng 1lít sữa/ngày hoặc uống thêm trên 250ml sữa có bổ sung vitamin D. Không dùng sữa bò tươi cho trẻ dưới 1 tuổi .
+ Trẻ nhỏ và thiếu niên nếu ăn ít thực phẩm bổ sung vitamin D (sữa, bột, lòng đỏ trứng…) cũng nên bổ sung vitamin D 200- 400 UI/ngày.
+ Trẻ có nguy cơ thiếu vitamin D như: kém hấp thu mỡ (suy tụy, bệnh gan mạn…), sử dụng thuốc chống động kinh phải được theo dõi nồng độ vitamin D và bổ sung định kỳ.
- Khi có thai, người mẹ phải có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Có thể uống vitamin D một lần duy nhất khi thai được 7 tháng với liều 200.000UI.
Lưu ý việc bổ sung Canxi cho trẻ nhất thiết phải có sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa. Gia đình không nên tự ý bổ sung thuốc bổ hay Canxi cho trẻ vì dễ gây ra tình trạng chán ăn, rối loạn tiêu hóa. Thậm chí, nếu tích tụ Canxi quá lâu có thể gây vôi hóa thận, làm cơ thể bé giảm hấp thu các chất như Sắt, Kẽm, Magie…
Bệnh còi xương khác với bệnh suy dinh dưỡng, bệnh suy dinh dưỡng là do thiếu Calo, Protein, làm cho trẻ chậm phát triển về thể chất, “thấp bé nhẹ cân”, còn bệnh còi xương thường xuất hiện ở những trẻ được ăn đầy đủ về năng lượng, thậm chí còn gặp ở những trẻ cân nặng còn cao hơn so với cùng lứa tuổi. Chính vì vậy mà nhiều bà mẹ đã không chú ý, bỏ qua các dấu hiệu của bệnh, bệnh kéo dài dẫn đến khó điều trị dứt điểm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường của trẻ.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập